Thương mại điện tử - Cơ hội không nhỏ giúp doanh nghiệp tăng xuất khẩu
Những giải pháp kỹ thuật số gồm các công cụ sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu Việt Nam, nhất là các DN vừa và nhỏ, đảm bảo mục tiêu phát triển xuất khẩu, kết nối với người mua trên khắp thế giới qua thương mại điện tử (TMĐT) trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh, suy thoái kinh tế toàn cầu đã được cộng đồng DN quan tâm, chú trọng phát triển.
Cơ hội không nhỏ cho DN tăng xuất khẩu qua TMĐT
Theo ông Nguyễn Ngọc Dũng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) - trong bối cảnh người đi mua sắm tại các siêu thị, trung tâm thương mại giảm mạnh vì lo sợ lây nhiễm dịch Covid-19, kênh mua sắm online được nhiều người tiêu dùng lựa chọn. Các nhà kinh doanh TMĐT cũng cần nắm thị hiếu tiêu dùng, thay đổi nhóm hàng phù hợp với nhu cầu mua sắm online của người dân. Bên cạnh đó, với các DN xuất khẩu, việc ứng dụng TMĐT trong kinh doanh đang được quan tâm và triển khai rất mạnh mẽ. Năm 2020, Chính phủ đã phê duyệt dự án quản lý hoạt động TMĐT đối với hàng hóa xuất nhập khẩu, theo đó các DN vừa và nhỏ của Việt Nam có thể đăng ký kinh doanh, nộp thuế và thực hiện nhiều thủ tục khác bằng chữ ký điện tử.
Ứng dụng thương mại điện tử giúp doanh nghiệp tăng xuất khẩu. Ảnh Internet
Theo một khảo sát gần đây của Alibaba.com cho thấy, hầu hết người mua trên thế giới đang tìm nguồn cung cho sản phẩm thông qua các công cụ tìm kiếm hoặc các nền tảng TMĐT. Với lưu lượng truy cập tăng trưởng trên 40% qua từng năm, tính đến nay, gần 20 triệu người mua từ hơn 200 quốc gia và lãnh thổ đã dò hỏi hoặc yêu cầu báo giá trên nền tảng TMĐT.
Ông Zhu Yi - Phó Tổng giám Đốc Alibaba.com tại Việt Nam - cho biết các nhà cung cấp tại Việt Nam đã đăng tải 600.000 sản phẩm lên nền tảng và bình quân trong 30 ngày nhận được 50.000 yêu cầu báo giá trên toàn thế giới. Những ngành công nghiệp địa phương nổi trội như thực phẩm (F&B), nhà ở và sân vườn, kiến trúc đã có sự phát triển ấn tượng trong thời gian gần đây.
Quyết tâm chuyển đổi kinh doanh số
Để nắm bắt cơ hội giao dịch toàn cầu trong kỷ nguyên kỹ thuật số, các DN vừa và nhỏ (SMEs) địa phương cần phải nắm bắt xu hướng người mua toàn cầu trên thị trường. SMEs đang trở thành “nhân tố sống còn” của một nền kinh tế. Các DN phải tăng tốc chuyển đổi kỹ thuật số và tìm ra hướng đi bền vững lâu dài.
Một số DN đang xuất khẩu hàng trên các trang TMĐT cho biết, ngoài doanh số tăng trưởng 20% - 30% thì DN còn có cơ hội học hỏi rất nhiều về kỹ năng marketing, kỹ năng trình bày hàng hóa và tiếp cận khách hàng.
Chia sẻ về kinh nghiệm và thành công bước đầu xuất khẩu hàng hóa qua nền tảng TMĐT - bà Lã Kim Nhung - người sáng lập Công ty IMITI - cho hay, là DN chuyên kinh doanh xuất khẩu đồ gỗ nội thất bắt đầu chỉ với 5-10 nhân viên nhưng hiện công ty đã mở rộng kinh doanh ra hơn 10 quốc gia nhờ vào nền tảng TMĐT. Các DN cần chú trọng đầu tư cho kinh doanh qua nền tảng số bởi vừa tiết kiệm chi phí và nhannh chóng có nhiều khách hàng biết đến sản phẩm và DN của mình, đây cũng là điều kiện tiên quyết để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Bà Ngô Thị Thanh Hiền - Phó Giám đốc Công ty Công nghiệp Ameco - bày tỏ, là một trong những công ty cơ khí hàng đầu tại Việt Nam, việc chuyển đổi kỹ thuật số là điều bắt buộc đối với các DN. Công ty đã nhận được đơn đặt hàng đầu tiên từ nước ngoài thông qua Alibaba.com và hiện nay 70% sản lượng của Ameco đang được xuất khẩu sang hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Từ những thành công trên nền tảng TMĐT, Alibaba.com đã và đang phục vụ hàng triệu người mua và nhà cung cấp từ hơn 190 quốc gia và khu vực trên thế giới. DN này cũng đã và đang đi đầu trong việc tận dụng công nghệ dữ liệu lớn (big data) và công nghệ thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ các SMEs trên toàn thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Ông Zhang Kuo - Tổng giám đốc Alibaba.com - cho hay, giải pháp “Smart Marketing Solution” sẽ giúp các nhà cung cấp hàng xuất khẩu của Việt Nam quảng cáo sản phẩm của họ với mức giá hợp lý bằng cách sử dụng công nghệ dữ liệu lớn. Giải pháp này giúp SMEs dễ dàng có được lưu lượng khách hàng mới, nắm được thông tin về các sản phẩm đang được khách hàng quan tâm, hiểu rõ hơn về thị trường và tỷ lệ chuyển đổi để có thể phát triển chiến lược kinh doanh và tăng trưởng trong tương lai. Bên cạnh đó, nền tảng công nghệ còn giúp DN tiết kiệm chi phí nhân công thông qua tự động hóa. Ngoài ra, Alibaba.com cũng đã khởi động “Together We Can - Alibaba.com cùng người bán tăng tốc” - một chương trình đào tạo trực tuyến độc quyền và tùy chỉnh nhằm giúp SMEs vượt qua giai đoạn đặc biệt khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh này.