Page banner

Dùng robot để phát hiện người không đeo khẩu trang

Robot do Đại học Công nghệ (ĐH Quốc gia) chế tạo để phát hiện người không đeo khẩu trang và nhắc nhở.

Robot hiện được đặt tại trước cửa ra vào tòa nhà nhà E3, đại học Công Nghệ, đường Xuân Thủy, Hà Nội. Mỗi khi có người vào cửa mà chưa đeo khẩu trang hoặc đeo chưa đúng cách, robot sẽ lên tiếng, đồng thời đề nghị người nghe rửa tay với nước sát khuẩn.

Hoàng Anh, Giảng viên khoa Điện tử - Viễn thông, Đại học Công nghệ, người phụ trách triển khai dự án, cho biết, robot được nhóm hoàn thiện trong một tuần. Trước đó, một sản phẩm tương tự từng được phòng nghiên cứu của trường chế tạo làm nhiệm vụ của hướng dẫn viên, phục vụ trong phòng truyền thống của nhà trường. Khi cả nước cùng chống Covid-19, sản phẩm được tối ưu lại. Ban đầu, nó là một công cụ nhắc nhở, sau đó được bổ sung thêm tính năng tự động phát hiện người chưa đeo khẩu trang.

 

Robot có kích thước gần bằng người thật, được đặt ở cửa ra vào của tòa nhà,
thu hút sự chú ý của những người đi qua. 

Robot gồm 4 thành phần chính: là camera, máy tính nhúng, loa và thân vỏ. Trong đó, thân vỏ được làm từ vật liệu composite, có chiều cao khoảng 1,5 mét, mô phỏng hình dáng của một cô gái. Theo anh Hoàng Anh, các chi tiết điện tử hoàn toàn có thể được đóng gói thành một thiết bị nhỏ gọn hơn mà vẫn đầy đủ tính năng, nhưng đội ngũ muốn sử dụng hình dáng của robot vì như vậy sẽ khiến sản phẩm thân thiện hơn. Ngoài ra, hình dáng lạ sẽ tạo được sự tò mò cho những người nhìn thấy, truyền tải thông điệp hiệu quả hơn.

Bộ phận quan trọng nhất của robot là camera và máy tính nhúng. Camera tích hợp cảm biến laser để đo khoảng cách, phát hiện người ra vào cửa. Cùng lúc, camera sẽ thu lại hình ảnh và truyền tới máy tính. Các chi tiết chính trên khuôn mặt như mắt, mũi, miệng sẽ được số hóa và xử lý.

Nếu máy tính phát hiện mũi và miệng bị che, có nghĩa là người đó đang đeo khẩu trang. Còn trong trường hợp miệng bị che nhưng mũi hở, hoặc cả mũi và miệng đều hở, nghĩa là người đó đeo chưa đúng cách hoặc không đeo. Khi đó máy tính sẽ lập tức kích hoạt loa và phát ra thông báo.

 

Robot có khả năng phát hiện người ra vào,
đồng thời nhận diện người đó có đeo khẩu trang hay không để đưa ra nhắc nhở. Ảnh: Lưu Quý

Ở góc độ kỹ thuật, anh Hoàng Anh cho rằng sản phẩm này không quá khó. Thành phần và cơ chế hoạt động đơn giản. Thách thức lớn nhất là độ chính xác. Chỉ số này phụ thuộc nhiều vào bối cảnh, chẳng hạn ánh sáng, cách di chuyển của người ra vào... Sau 1 tuần tối ưu, đội ngũ phát triển cho biết độ chính xác của robot đã đạt 95%.

Do đây là sản phẩm thử nghiệm nên nhóm sử dụng những thiết bị, linh kiện có sẵn với tổng giá trị khoảng 30 triệu đồng, trong đó đắt nhất là hệ thống máy tính nhúng, có giá khoảng 20 triệu đồng. Tuy nhiên theo anh Hoàng Anh, nếu ứng dụng robot này rộng rãi, đội của anh có cách để giảm chi phí, cải thiện ngoại hình và bổ sung tính năng. Trong tương lai, sản phẩm sẽ được cải thiện độ chính xác bằng trí tuệ nhân tạo, đồng thời bổ sung thêm tính năng đo thân nhiệt và cảnh báo người bị sốt.

Nhờ robot này, tòa nhà tại Đại học Quốc gia Hà Nội đã giảm được một số nhân công. Trước đây, việc này được giao cho một người bảo vệ, nhưng nay đã được thay thế hoàn toàn bằng robot, vừa đảm bảo có thể làm việc 24/24, vừa giảm nguy cơ lây nhiễm chéo nếu tiếp xúc với mầm bệnh.
Trước đại học Công nghệ, đại học Kinh tế Quốc dân cũng ứng dụng công nghệ nhận dạng khuôn mặt để phục vụ công việc phát gạo từ thiện, giúp giảm thời gian nhận diện và phát gạo xuống còn 15 giây.

Nguồn: https://vnexpress.net/