Việt Nam phát động chiến dịch chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây
Ngày 22/5, tại Hà Nội, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tổ chức lễ phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng công nghệ điện toán đám mây Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cùng đại diện của 4 doanh nghiệp điện toán đám mây nòng cốt, đang dẫn đầu về làm chủ công nghệ, sẵn sàng hạ tầng và cung cấp sản phẩm dịch vụ trên nền tảng điện toán đám mây tại Việt Nam đã thực hiện nghi thức phát động chiến dịch. Thông qua chiến dịch này, Bộ Thông tin và truyền thông kêu gọi toàn thể xã hội thực hiện chuyển đổi số nhanh hơn bằng nền tảng điện toán đám mây Việt Nam.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chia sẻ: Việt Nam có khát vọng vươn lên thông qua chuyển đổi số. Việt Nam phải làm chủ các hàng tầng và nền tảng chuyển đổi số cho từng ngành, từng lĩnh vực. Đây chính là cơ hội phát triển của các sản phẩm công nghệ thông tin “Make in Vietnam”.
Đại biểu thực hiện nghi thức phát động chiến dịch thúc đẩy chuyển đổi số bằng nền tảng điện toán đấm mây
Ảnh Minh Quyết- TTXVN
Hiện nay, các doanh nghiệp công nghệ thông tin của Việt Nam đã và đang xây dựng nhiều nền tảng cơ bản, thiết yếu như học từ xa, khám chữa bệnh từ xa, làm việc từ xa, hội nghị truyền hình, dịch vụ kế toán từ xa, nền tảng làm báo điện tử, nền tảng về an toàn an ninh mạng, hạ tầng về điện toán đám mây… Điều cốt lõi quan trọng là không thể để dữ liệu của nền kinh tế số Việt Nam bị đưa ra ở nước ngoài và lưu trữ bởi các công ty nước ngoài.
Hạ tầng số được hiểu là hạ tầng viễn thông cộng thêm nền tảng điện toán đám mây. Các doanh nghiệp viễn thông trong nước đã làm chủ được hạ tầng viễn thông và phải cố gắng để chủ đối với hạ tầng số. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Làm chủ nền tảng điện toán đám mây là rất quan trọng đối với đất nước của chúng ta”.
Việt Nam hiện có khoảng 27 trung tâm dữ liệu do 11 doanh nghiệp trong nước đầu tư với trên 270.000 máy chủ được kết nối đến cả nước. Dịch vụ điện toán đám mây đã sẵn sàng đạt chuẩn, các doanh nghiệp có thể thuê với giá cả rất cạnh tranh. Thị trường điện toán đám mây trong nước hiện nay đạt khoảng 200 triệu USD với mức tăng trưởng hàng năm trên 30%. Tuy nhiên các doanh nghiệp Việt Nam mới chiếm được 20% thị phần trong thị trường điện toán đám mây, 80% thị phần các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị của Việt Nam vẫn dùng đám mây đặt tại nước ngoài.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Cách tốt nhất để phát triển hạ tầng trong nước là các doanh nghiệp và người dân Việt Nam hãy ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Việc phát triển các công nghệ mới về viễn thông, điện toán đám mây, hội nghị truyền hình… dựa trên các chuẩn mở, dựa trên mã nguồn mở là hướng đi đúng và phù hợp nhất đối với chúng ta. Cộng đồng mã nguồn mở Việt Nam đang lớn mạnh cùng với cộng đồng mã nguồn mở trên thế giới.
Chuyển đổi số thành công sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam linh hoạt trong thay đổi mô hình hoạt động, giảm chi phí, duy trì hoạt động để tồn tại và vượt qua khó khăn. Với “cú hích” từ dịch COVID-19, quá trình chuyển đổi số của Việt Nam sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa và toàn diện trên tất cả mọi lĩnh vực. Điều này đòi hỏi công nghệ điện toán đám mây của Việt Nam có những phát triển phù hợp với xu hướng chuyển đổi số.
Việt Nam là một trong số những nước sớm ban hành tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật cho hạ tầng điện toán đám mây. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Khắc lịch, Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố bộ tiêu chí, chỉ tiêu kỹ thuật để đánh giá, lựa chọn giải pháp nền tảng điện toán đám mây phục vụ Chính phủ điện tử. Đây cũng là định hướng để doanh nghiệp Việt làm chủ công nghệ, phát triển nền tảng điện toán đám mây Việt Nam. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đánh giá, công bố các nền tảng điện toán đám mây Việt Nam đáp ứng Bộ tiêu chí để các doanh nghiệp, cơ quan nhà nước sử dụng.
Cũng tại buổi lễ, 11 doanh nghiệp điện toán đám mây Việt Nam đã công bố cam kết tham gia chiến dịch, giảm giá 20% cho tất cả khách hàng đăng ký mới dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam trong thời gian 2 tháng (từ 22/5-22/7) để kích cầu thị trường, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, hỗ trợ các cơ quan, doanh nghiệp chuyển đổi hoạt động lên môi trường mạng.
Nguồn: https://bnews.vn/