Thị trường ICT Việt Nam bùng nổ, mở rộng cơ hội cho đầu tư nước ngoài
Ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và mở ra nhiều tiềm năng lớn, đặc biệt khi đất nước hiện là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á. Việt Nam có tiềm năng dẫn đầu trong chuyển đổi số nhờ vào nhu cầu ngày càng tăng về cơ sở hạ tầng ICT hiện đại, được thúc đẩy bởi các khoản đầu tư lớn vào trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây, trung tâm dữ liệu và blockchain. Nhu cầu về hạ tầng ICT tiếp tục gia tăng nhờ vào sự mở rộng của internet, quá trình số hóa trong các ngành công nghiệp và các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ từ chính phủ. Môi trường này tạo ra nhiều cơ hội cho các công ty nước ngoài tham gia vào hệ sinh thái ICT và đóng góp vào sự phát triển bền vững, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Doanh thu và Quy mô Thị trường Ngành ICT Việt Nam
Ngành ICT Việt Nam đang dần trở thành động lực quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, đổi mới sáng tạo. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC), tổng doanh thu của ngành ICT Việt Nam năm 2024 ước tính khoảng 4.244 nghìn tỷ đồng (tương đương với 165,9 tỷ USD), tăng 13,2% so với năm 2023. Ngành này đã đóng góp khoảng 109,5 nghìn tỷ đồng (tương đương 4,3 tỷ USD) vào ngân sách nhà nước, tăng 15,1% so với năm 2023, và khoảng 989 nghìn tỷ đồng (tương đương 38,7 tỷ USD) vào GDP quốc gia, tăng 11,2% so với năm trước.
Tính đến năm 2024, số lượng nhân viên trong ngành ICT ước đạt hơn 1,5 triệu người, tăng 2% so với năm 2023. Việt Nam hiện có hơn 27.600 công ty ICT, bao gồm khoảng 4.500 công ty phần cứng với hơn 900.000 nhân viên, 12.500 công ty phần mềm với 224.000 nhân viên, và 9.700 nhà cung cấp dịch vụ CNTT với 84.000 nhân viên. Ngành này được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong thập kỷ tới, với thị trường có thể đạt từ 14,64 tỷ USD vào năm 2030 (theo Mordor Intelligence) đến 40,3 tỷ USD vào năm 2033 (theo IMARC Group). Theo IMARC Group, quy mô thị trường ICT Việt Nam dự kiến đạt 11,4 tỷ USD vào năm 2024.
Báo cáo từ Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam (VINASA) vào tháng 2 dự báo ngành ICT sẽ tạo ra 170 tỷ USD doanh thu vào năm 2025, đóng góp hơn 12% vào GDP quốc gia.
Ảnh: https://innovatureinc.com/the-future-of-artificial-intelligence-in-vietnam/
Các Yếu Tố Thúc Đẩy Sự Tăng Trưởng Của Ngành ICT Việt Nam
Sự phát triển mạnh mẽ của ngành ICT Việt Nam chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu gia tăng về dịch vụ CNTT, mở rộng của internet, các chính sách hỗ trợ của chính phủ và dòng vốn đầu tư lớn đến từ doanh nghiệp
Việt Nam đang có khoảng 79,8 triệu người dùng internet, với tỷ lệ thâm nhập đạt 78,8%, cho thấy dư địa phát triển so với các quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc với 97,4% (theo DataReportal). Một nghiên cứu của Kepios, trích dẫn bởi DataReportal, ghi nhận số người dùng internet tại Việt Nam đã tăng 223.000 người trong năm qua, tương đương với mức tăng 0,3%. Theo khảo sát của CPA Australia cho thấy việc ứng dụng công nghệ số trong doanh nghiệp cũng tăng nhanh, khi 74% doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược số hóa, cao hơn mức trung bình khu vực Châu Á - Thái Bình Dương là 63%. Đặc biệt, gần 80% người tham gia khảo sát ở Việt Nam cho biết họ đã sử dụng trí tuệ nhân tạo trong 12 tháng qua, cao hơn mức 69% ở các thị trường khác. Một khảo sát khác của Acclime và Ngân hàng UOB cho thấy 87% doanh nghiệp đã tích hợp số hóa và 80% có kế hoạch tăng ngân sách số hóa từ 10-25% trong năm 2024.
Chính phủ Việt Nam cũng đang thúc đẩy quá trình số hóa cho cả ngành công tư với các sáng kiến như Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia (NDTP) và Quy hoạch Cơ sở hạ tầng Thông tin và Truyền thông giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Tổng thể), được công bố vào tháng 3 năm 2024. Quy hoạch Tổng thể đặt ra các mục tiêu phát triển hạ tầng internet và truyền thông, bao gồm:
• 100% hộ gia đình có thể truy cập cáp quang vào năm 2025.
• 90% hộ gia đình có thể truy cập internet cố định với tốc độ trung bình 200 megabit mỗi giây vào năm 2025.
• Mạng di động băng thông rộng với tốc độ tải xuống 40 megabit mỗi giây cho mạng 4G và 100 megabit mỗi giây cho mạng 5G.
• 100% dân số trưởng thành sở hữu điện thoại thông minh vào năm 2025.
• Mạng băng rộng cố định cung cấp tốc độ truy cập trên 1 gigabit mỗi giây cho 100% người dùng vào năm 2030.
• Mạng băng thông rộng di động 5G phủ sóng 99% dân số vào năm 2030.
• Thêm từ 4 đến 6 cáp quang dưới biển quốc tế vào năm 2030.
Ngoài ra, Chiến lược Cơ sở hạ tầng Số tập trung vào phát triển mạng 5G, trung tâm dữ liệu thân thiện với môi trường, tích hợp IoT và nâng cao chất lượng dịch vụ số. Việt Nam đặt mục tiêu nằm trong top 50 toàn cầu và top 3 ASEAN về chính phủ điện tử và nền kinh tế số. Năm 2024, Việt Nam xếp thứ 71 trong bảng xếp hạng chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc, cải thiện 15 bậc so với năm 2022, và đứng thứ năm trong các quốc gia ASEAN.
Các khoản đầu tư lớn vào ngành ICT Việt Nam
Ngành ICT của Việt Nam đang thu hút dòng vốn đầu tư mạnh mẽ, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao như AI, dữ liệu lớn, blockchain và điện toán đám mây. Việc chuyển đổi từ sản xuất giá trị thấp sang các ngành có giá trị gia tăng cao đang được thúc đẩy bởi sự hợp tác giữa các công ty nước ngoài và các sáng kiến trong nước, giúp Việt Nam dần khẳng định vị thế là một trung tâm khu vực về chuyển đổi số.
Mở rộng viễn thông và 5G
Ngành viễn thông Việt Nam đang được đầu tư lớn, đặc biệt trong công nghệ 5G. Viettel đã triển khai mạng 5G Open RAN (O-RAN) thương mại đầu tiên trên thế giới với sự hợp tác của Qualcomm, dự kiến mở rộng ra hơn 300 địa điểm vào quý đầu năm 2025. Trong khi đó, VNPT, hợp tác với Ericsson, đang triển khai công nghệ 5G tiết kiệm năng lượng tại các khu vực trọng điểm. Chính phủ hỗ trợ việc mở rộng mạng 5G bằng các ưu đãi tài chính, trong đó có trợ giá 15% chi phí thiết bị, đồng thời đầu tư vào các tuyến cáp quang biển để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số.
Ảnh: Viettel
Phát triển blockchain
Công nghệ blockchain đang nhận được sự quan tâm lớn với các cam kết đầu tư quy mô lớn. Vào tháng 1/2025, One Mount Group đã công bố kế hoạch đầu tư 200 - 500 triệu USD để phát triển mạng blockchain Layer 1 "Make in Vietnam", tập trung vào các giao dịch tốc độ cao, khả năng mở rộng và bảo mật. Sáng kiến này nhận được sự hỗ trợ từ MIC, Hiệp hội Blockchain Việt Nam và các chính sách của chính phủ, hứa hẹn thúc đẩy ứng dụng blockchain trong tài chính, y tế, giáo dục và dịch vụ công.
Điện toán đám mây
Việt Nam đang chứng kiến sự hợp tác chiến lược giữa các tập đoàn công nghệ lớn nhằm mở rộng cơ sở hạ tầng điện toán đám mây. Microsoft Việt Nam và Viettel đã ký kết thỏa thuận tích hợp Viettel Cloud với Microsoft Azure, giúp mở rộng các dịch vụ AI, phân tích dữ liệu và các ứng dụng như Azure Machine Learning, Azure OpenAI.
Bên cạnh đó, Amazon Web Services (AWS) thông báo ra mắt AWS Local Zone tại Việt Nam, mang lại các dịch vụ đám mây tiên tiến, giảm độ trễ cho các ứng dụng quan trọng và tăng cường hỗ trợ cho doanh nghiệp trong nước.
Trung tâm dữ liệu
Nhu cầu ngày càng cao về AI, dữ liệu lớn và điện toán đám mây đang thúc đẩy đầu tư mạnh vào trung tâm dữ liệu tại Việt Nam. Viettel đặt mục tiêu phát triển 11 trung tâm dữ liệu với tổng công suất hơn 350 MW, chiếm 40% tổng công suất cả nước, đồng thời hợp tác với NVIDIA để xây dựng hạ tầng trung tâm dữ liệu AI.
Các tập đoàn quốc tế cũng đang gia nhập thị trường. ST Telemedia Global Data Centre (Singapore) đã hợp tác với VNG Corporation để xây dựng trung tâm dữ liệu tại TP.HCM. Google và Alibaba cũng đang có kế hoạch thiết lập trung tâm dữ liệu tại Việt Nam nhằm đáp ứng các quy định về lưu trữ dữ liệu địa phương.
Trí tuệ nhân tạo
Việt Nam đang thu hút sự quan tâm của các tập đoàn AI hàng đầu. NVIDIA đã hợp tác với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phát triển các trung tâm nghiên cứu AI, đồng thời mua lại VinBrain, một công ty công nghệ y tế AI của Việt Nam. Sự phát triển mạnh mẽ của AI tại Việt Nam không chỉ tập trung vào y tế mà còn mở rộng sang các lĩnh vực phân tích dữ liệu, nhận diện hình ảnh và giọng nói.
Khai thác cơ hội thị trường ICT Việt Nam
Trong bối cảnh ngành ICT Việt Nam đang mở rộng mạnh mẽ, sự kiện Vietnam ICTCOMM 2025, diễn ra từ ngày 12-14 tháng 6 tại SECC, TPHCM, sẽ là nền tảng quan trọng giúp các doanh nghiệp tiếp cận sâu hơn vào thị trường này. Triển lãm không chỉ là nơi quy tụ các tập đoàn công nghệ hàng đầu, startup sáng tạo mà còn là diễn đàn kết nối các nhà đầu tư quốc tế với các chính sách hỗ trợ, ưu đãi từ Chính phủ Việt Nam. Với trọng tâm vào các lĩnh vực AI, điện toán đám mây, blockchain, viễn thông và trung tâm dữ liệu, Vietnam ICTCOMM 2025 sẽ mang đến cơ hội hợp tác, mở rộng thị trường và cập nhật những xu hướng công nghệ mới nhất, góp phần thúc đẩy Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ hàng đầu khu vực.
Source: Vietnam Briefing